Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 17, HĐND TP. Hà Nội được tổ chức ngày 3/7, các đại biểu đề nghị cơ quan chức năng làm rõ nhiều vấn đề, trong đó có nội dung kiểm tra công vụ.
Có chỉ số nào đánh giá cán bộ làm việc bằng trái tim không?
Tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ đại biểu huyện Mê Linh) cho rằng, Đảng đã xác định nhân sự là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, "then chốt của then chốt". Với Hà Nội, theo ông Đoàn, muốn phát triển thì nhân sự ở các cấp cũng đều phải là những nhân sự tốt.
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ đại biểu huyện Mê Linh) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: HĐND Hà Nội
Về tinh thần, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của cán bộ, ông Đoàn cho biết, thời gian qua, chỉ số PAPI (hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) tại Hà Nội tụt hạng, tụt bậc. Trong đó, chỉ số về thời gian giải quyết thủ tục hành chính... giảm 32 bậc, chỉ số CPI (chỉ số giá tiêu dùng) giảm 8 bậc.
Trước thực tế trên, ông Đoàn đặt câu hỏi: "Có một điều tôi băn khoăn ở đây là không thể nào trình độ cán bộ công chức ở thủ đô lại thấp hơn các tỉnh, thành khác được. Vậy tại sao có nhiều chỉ số lại thấp hơn các tỉnh, thành?".
Đại biểu đặt câu hỏi với Chủ tịch UBND TP. Hà Nội: "Thành phố của chúng ta có chương trình gì đào tạo, hay có chỉ số gì để đánh giá về cán bộ công chức không những làm việc bằng tri thức mà làm việc bằng trái tim hay không?".
Không thực thi công vụ tốt sẽ cản trở sự phát triển
Trả lời vấn đề này, ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cho rằng kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan Nhà nước nếu không làm tốt sẽ làm giảm niềm tin, cản trở sự phát triển của thủ đô.
Về các chỉ số giảm, ông Hải nói UBND TP. Hà Nội đã họp và đánh giá chi tiết từng chỉ số thành phần.
"Có nhiều chỉ số chúng ta tăng lên, nhưng tăng chậm hơn các địa phương khác. Có nhiều chỉ số lại giảm. Rõ ràng sự nỗ lực cố gắng và nguyên nhân cần phải đánh giá rất rõ việc lý do tại sao Hà Nội có tăng điểm nhưng chỉ số xếp hạng lại giảm.
Ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Ảnh: HĐND Hà Nội.
Quan điểm chỉ đạo của thành phố là phải đo đếm được, đo lường được các chỉ số theo tuần, tháng, quý để từng đơn vị nhìn thấy được mình đang đứng ở đâu nhằm so sánh với các đơn vị khác để phấn đấu", ông Hải nói.
Theo ông Hải, hiện, UBND TP. Hà Nội cũng đang đánh giá, rà soát lại nhiệm vụ, chức năng, thẩm quyền của từng sở, ngành. Sau đó, thành phố sẽ ban hành các quy chế, quy trình, đặc biệt là quy trình liên thông nhằm cắt giảm thủ tục hành chính và phân cấp, phân quyền.
Về việc tại sao các chỉ số giảm, nhiều việc tồn đọng, vướng mắc trong thực thi công vụ, ông Hải thừa nhận có nguyên nhân là do năng lực, trình độ và ý thức trách nhiệm của cán bộ thực hiện.
"Cán bộ ở Hà Nội tốt hơn các địa phương khác rất nhiều"
Nói thêm về vấn đề này, ông Vũ Đức Bảo - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, khẳng định, cán bộ ở Hà Nội tốt hơn các địa phương khác rất nhiều, cả về trình độ cũng như kỹ năng. Công tác giải quyết thủ tục hành chính, công tác ủy quyền, phân cấp tại Hà Nội là đáng ghi nhận.
Ông Vũ Đức Bảo - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội.
Theo ông Bảo, thời gian qua Bộ Chính trị giao cho Thành ủy về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Thành phố tập trung đào tạo về vị trí việc làm, kỹ năng làm việc. Trong đó, nhóm cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, người đứng đầu đặc biệt được quan tâm.
Ông Bảo dẫn ví dụ, chưa hết nhiệm kỳ đã thay 3 giám đốc, trưởng các sở, ngành chủ chốt. Trong đó, có cán bộ mới tại chức 8 tháng hoặc 1 năm. "Rõ ràng, công tác cán bộ được quan tâm và xem xét trách nhiệm đối với cán bộ chủ chốt", ông Bảo nói.
Cùng với đó, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho hay, thành phố đã thay thế, chuyển đổi vị trí công tác 6 chủ tịch UBND các huyện. Theo ông Bảo, sau khi thay thế 6 huyện này đã có rất nhiều tiến triển, đặc biệt là giải quyết các thủ tục, vướng mắc. "Như vậy, vấn đề chính là trách nhiệm các cơ quan chuyên môn tham mưu, trong đó là người đứng đầu các sở, ngành", ông Bảo nói.
Thanh Hiếu